Khám phá Hang C6-1 của Đắk Nông – Di sản độc đáo ở Đông Nam Á

Lượt xem:


Hang C6-1 không chỉ là một di sản địa chất mà chính nơi đây các nhà khoa học đã phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử với nhiều tầng văn hóa cách ngày nay từ 6.000-7.000 năm.

Trong hệ thống hang động núi lửa, Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông, hang C6.1 (người M’nông thường gọi là hang Mâng ling Pian) nằm ở xã Đắk Sôr, Krông Nô, được đánh giá là di sản độc đáo ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Hang C6.1 không chỉ là một di sản địa chất mà còn là một địa điểm khảo cổ giá trị. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử với nhiều tầng văn hóa cách ngày nay từ 6.000-7.000 năm.

Hang được đào thám sát năm 2017 và khai quật 2 lần năm 2018, 2019.

Qua khai quật tại Hang C6-1 và C6, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể. Các nhà khoa học cũng phát hiện vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

Đặc biệt và quan trọng nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối.

Theo các nhà khoa học, các di sản khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô – nơi còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử – là di sản độc đáo ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam.

[Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông: Điểm nhấn du lịch giữa đại ngàn]

Về di vật, thu được 76.425 mảnh xương động vật và hàng chục vạn vỏ các loài nhuyễn thể; hàng nghìn mảnh phế liệu, đá nguyên liệu và 179 công cụ đá, nổi bật là nhóm công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, hình đĩa, công cụ hình bàn là; ngoài ra còn có 1.276 mảnh gốm và 1 mũi tên đồng.

Dựa vào cấu trúc tầng văn hóa, hệ thống niên đại 14C cùng tổ hợp di vật có thể thấy Hang C6-1 gồm 2 giai đoạn văn hóa:giai đoạn sớm tồn tại từ 7.000 đến 5.500 năm BP; giai đoạn muộn có niên đại từ 5.500 năm đến khoảng 4.000 năm BP.

Những kết quả nghiên cứu về Hang C6-1 đã mang lại những nhận thức mới, đó là lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa.

Trong tiến trình lịch sử, trên đất Tây Nguyên thực sự đã tồn tại một giai đoạn trung kỳ Đá mới sau Hòa Bình. Các cư dân ở đây vẫn bảo lưu các yếu tố văn hóa Hòa Bình song đã xuất hiện các yếu tố mới dosự thích ứng của cư dân thời tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên đất Tây Nguyên.

Với những giá trị về địa chất và khảo cổ, tháng 3/2023, Di tích Quốc gia Hang C6-1, thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Hang C6-1, thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được tổ chức tối 27/6, tại Cụm Du lịch thác Đray Sáp-Gia Long, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô.

Phát biểu tại lễ đón nhận, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh sự kiện này là mốc son ý nghĩa trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di tích; tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của Di tích Hang C6-1.

Liên quan tới việc tái thẩm định Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông, từ ngày 27-30/6, Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, các ngành chức năng liên quan tổ chức khảo sát, thẩm định 44 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình tái thẩm định, Đoàn chuyên gia sẽ thu thập tài liệu, trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng. Qua đó, các chuyên gia đưa ra những góp ý, khuyến nghị nhằm góp phần phát triển Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/